Tin tức

Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của các đơn vị cấp bộ môn”

Thứ năm - 22/03/2018 22:56
Sáng ngày 21/3/2018, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của các đơn vị cấp bộ môn”.

Tới dự Hội thảo, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS Nguyễn Hiệu (Trưởng ban Tổ chức Cán bộ), TS. Nguyễn Kiều Oanh (Phó Trưởng ban Tổ chức Cán bộ), TS. Phạm Đức Anh (Phó Trưởng ban Khoa học – Công nghệ), TS. Nguyễn Thị Thu Hương (Phó Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính). Hội thảo do GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV chủ trì.

Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường ĐHKHXH&NV nói riêng đang triển khai kế hoạch nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của các đơn vị cấp bộ môn và phát triển đội ngũ quản lý cấp bộ môn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Hiệu (Trưởng ban Tổ chức Cán bộ, Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu về yêu cầu cần nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của các đơn vị cấp bộ môn đối với ĐHQGHN nói chung và các Trường thành viên nói riêng.

Ngoài các văn bản quy định của Nhà nước, của ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV đã chủ động ban hành và áp dụng các văn bản: Quy chế bộ môn thuộc Khoa trong Trường ĐHKHXH&NV ban hành theo Quyết định số 2248/QĐ-XHNV-TC ngày 23/9/2015 của Hiệu trưởng;  Quy định về Tổ chức và hoạt động trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ban hành theo Quyết định số 510/QĐ-XHNV-TC ngày 05/3/2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Những văn bản này đã quy định những nội dung về chức năng, nhiệm vụ của Bộ môn và tiêu chuẩn của Trưởng bộ môn. Ngoài ra, Trường ĐHKHXH&NV đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách về nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên. Các chính sách này được tích hợp vào Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường. Hàng năm, Quy chế chi tiêu nội bộ đều được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp.

PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV  phát biểu khai mạc Hội thảo

Hiện nay Trường ĐHKHXH&NV có 16 Khoa, 1 Bộ môn trực thuộc, 79 đơn vị cấp Bộ môn. Các bộ môn đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho 24 ngành trình độ đại học, 40 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 31 chuyên ngành trình độ tiến sĩ. Định hướng phát triển của Nhà trường là trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam và là một trường Đại học uy tín trong khu vực trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Chính vì vậy, vấn đề phát triển các bộ môn chính là căn cốt của chất lượng, uy tín và vị thế của Nhà trường.

TS. Tạ Bích Loan, Trưởng ban VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam đồng thời kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Phát thanh – Truyền hình của Khoa Báo chí và Truyền thông. TS chia sẻ đây là một Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực không chỉ với sự phát triển của Trường ĐHKHXH&NV mà còn góp phần tìm lời giải cho những bài toán và thách thức của giáo dục đại học hiện nay.

Hội thảo là một diễn đàn của các chuyên gia đầu ngành, với tư cách là trưởng Bộ môn, trong đó có cả những cán bộ cơ hữu trong trường và những chuyên gia từ các cơ quan bên ngoài được mời kiêm nhiệm, gắn kết giữa đào tạo trong trường và thực tiễn hoạt động nghề nghiệp. TS. Tạ Bích Loan, Trưởng ban VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam đồng thời kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Phát thanh – Truyền hình của Khoa Báo chí và Truyền thông, đã có nhiều nỗ lực phối hợp với Nhà trường và Khoa trong đào tạo sinh viên truyền hình.

PGS.TS Trần Văn Hải, Trưởng Bộ môn Bảo hộ và Sở hữu trí tuệ, Khoa Khoa học Quản lý nêu ý kiến đề xuất: “Bộ môn phải thực hiện một hướng nghiên cứu chuyên sâu, có nhóm nghiên cứu mạnh hoặc nhóm nghiên cứu tiềm năng và phải có công bố quốc tế”.

Các vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động đào tạo cấp bộ môn được nhìn nhận thấu đáo. Đây cũng chính là những bài toán cần lời giải của công cuộc đổi mới giáo dục đại học nước nhà, như: nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học, thu hút và đãi ngộ nhân tài, cơ chế chính sách phát triển đơn vị đào tạo cấp bộ môn, phá bỏ tư duy hành chính đối với bộ môn khoa học mà cần tập trung vào phát triển chuyên môn...

PGS.TS Lâm Mỹ Dung, Trưởng Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Giám đốc Bảo tàng Nhân học phát biểu: “Bộ môn Khảo cổ học cũng như một số ngành khác trong Trường như Báo chí và Truyền thông, Tâm lý học, Nhân học, Xã hội học... có tính ứng dụng rất cao, với sự đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị lớn, hoàn toàn có khả năng xây dựng các phòng thí nghiệm, thực hiện các dự án khoa học như các ngành Khoa học Tự nhiên.... Vì vậy, cần có sự phân loại và đề ra các cơ chế đầu tư đặc thù”

Hiện nay, Trường ĐHKHXH có sự phân loại khá phong phú các hình thức bộ môn, như bộ môn chịu trách nhiệm đào tạo một ngành khoa học, bộ môn có tính chất liên ngành, bộ môn nghiên cứu lý luận và những bộ môn khoa học có tính ứng dụng cao. Việc nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động các bộ môn với từng phong cách đặc thù cũng chính là góp phần đưa việc đào tạo và nghiên cứu trong nhà trường gần hơn với thực tiễn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển của xã hội và xu thế hội nhập quốc tế.

Hội thảo đã ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết và xác đáng của các lãnh đạo cấp bộ môn và có sự trao đổi, ghi nhận từ phía đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban giám hiệu Nhà trường. Đây là một hoạt động thiết thực trong việc góp phần đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm phát triển Nhà trường trong thời gian tới. GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trưởng tổng kết, thống nhất các ý kiến tập trung quan điểm Bộ môn phải là đơn vị sinh hoạt chuyên môn mạnh, chứ không phải là một đơn vị hành chính, từ đó cần giải quyết các vấn đề then chốt đặt ra về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Về phía các Khoa và Bộ môn trong Trường cần tiến hành rà soát, tổng hợp ý kiến của các cán bộ giảng viên đơn vị mình, đề xuất với Nhà trường và ĐHQGHN các giải pháp thiết thực. Nhà trường cũng kiến nghị với ĐHQGHN  việc xây dựng quy định, cơ chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị cấp bộ môn cần khoa học, phù hợp với thực tế và linh hoạt, để các đơn vị có thể thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Tác giả: Thu Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây