Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á

Thứ năm - 28/01/2016 06:14
Ngày 23/1/2015, Khoa Đông phương học tổ chức toạ đàm với chủ đề “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á”. PGS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì toạ đàm.
Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á
Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á

Các đại biểu đã nghe và thảo luận xung quanh hai báo cáo khoa học của TS. Nhâm Thị Lý và ThS. Trần Thị Quỳnh Trang (Khoa Đông phương học).

TS. Nhâm Thị Lý trình bày báo cáo “Tính tương trợ trong đời sống cộng đồng người Hoa ở Việt Nam qua khảo sát tư liệu chữ Hán”. Báo cáo khảo sát về tính tương trợ của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam thông qua phân tích nội dung các tư liệu chữ viết như châu bản, sắc phong, hoành phi, câu đối… Việt Nam là quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á, một cửa ngõ trên tuyến đường giao thương quốc tế nên từ xa xưa đã có quan hệ giao lưu buôn bán với các nước trong khu vực. Từ thế kỉ 16,17, tại nhiều vùng duyên hải ven biển ở Việt Nam đã xuất hiện các nhóm thương nhân người Hoa đến tạm cư buôn bán. Từ cuối thời Lê, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Hoa đến định cư lâu dài và tổ chức hoạt động thương mại ở vùng này. Khảo sát các tư liệu chữ Hán của người Hoa ở Việt Nam còn lưu giữ lại đến nay, báo cáo cho thấy tính tương trợ là một hoạt động thường thấy trong các hoạt động cộng đồng của người Hoa. Thông qua các sinh hoạt làng xã và các nghi thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cộng đồng ở các hội quán, người Hoa có ý thức bảo ban và bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau. Tính tương trợ và tinh thần đoàn kết giúp cho người Hoa phát huy vai trò xã hội, khẳng định uy tín của cộng đồng và giữ vững vị trí kinh tế của mình tại nước bản địa nơi họ cư trú.

PGS. TS Phạm Quang Minh chủ trì tọa đàm

Bình luận về báo cáo, TS Võ Minh Vũ (Khoa Đông phương học) cho rằng nghiên cứu này sử dụng một nguồn tư liệu mà trong các nghiên cứu trước đây ít được sử dụng, đó là tư liệu chữ viết bi ký, sắc phong, hoành phi, câu đói. Báo cáo đi vào một trong những vấn đề hết sức cơ bản trong nghiên cứu Hoa kiều, đó là tính tương trợ - một biểu hiện của tính chất mạng lưới (network) vốn được coi là đặc trưng của cộng đồng Hoa kiều. Tuy nhiên, người bình luận cũng cho rằng tác giả tuy có nhiều phân tích về tính tương trợ trong từng hội quán, nhưng đó mới chỉ là những phân tích đơn lẻ về nội dung văn bản chứ chưa có so sánh lịch đại, đồng đại. Nếu so sánh các tư liệu theo chiều lịch đại, tác giả hoàn toàn có khả năng tạo dựng lại một cách rõ ràng hình tương xã hội Hoa kiều trong quá khứ và hiện tại, mối quan hệ trong bang, giữa bang với quê hương của Hoa kiều, hay giữa các bang với nhau.

Báo cáo khoa học thứ hai trong toạ đàm là “Quan hệ thương mại và đầu tư Thái Lan và Việt Nam trong 5 năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005)” của nhà nghiên cứu trẻ Trần Thị Quỳnh Trang. Báo cáo nhận định: giai đoạn 5 năm đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến mối quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Mối quan hệ tương trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và Thái Lan trên lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực thương mại-đầu tư nói riêng không chỉ thể hiện rõ nét trên cấp độ chính phủ mà còn lan rộng tới các doanh nghiệp tư nhân. Báo cáo đi sâu nghiên cứu những nguyên nhân, thành tựu và thách thức trong mối quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước, và đánh giá tác động, ảnh hưởng của mối quan hệ hợp tác này đối với sự phát triển kinh tế và hợp tác hữu nghị giữa hai nước trong hiện tại và tương lai.

PGS. TS Phạm Quang Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự tọa đàm 

Bình luận về báo cáo này, PGS.TS Nguyễn Duy Dũng (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận xét: tác giả có nhiều cố gắng làm rõ thực trạng quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam-Thái Lan trong giai đoạn 2001-2005 và từ đó giúp nhận diện sự phát triển quan hệ hai nước thời gian qua. Tuy nhiên, người bình luận cũng đề nghị tác giả cần có sự so sánh để giúp làm rõ hơn những điểm chủ yếu trong quan hệ thương mại đầu tư hai nước ở giai đoạn này, đâu là hạn chế, đâu là cản trờ.. so với giai đoạn khác.

Toạ đàm là nằm trong chuỗi hoạt động khoa học của những nhà nghiên cứu trẻ của Khoa Đông phương học nhằm công bố những kết quả nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á, đồng thời tạo sân chơi cho các nhà nghiên cứu trẻ được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao năng lực nghiên cứu. Chuỗi toạ đàm do Quỹ Toshiba (Nhật Bản) tài trợ.

Tác giả: Bài và ảnh: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây