Người thầy xây nền đắp móng cho ngôi nhà Lưu trữ học và Quản trị văn phòng

Thứ sáu - 20/11/2015 04:36
Thấm thoát đã bao nhiêu năm trôi qua, người thầy ấy không còn thường xuyên đứng trên bục giảng, không gánh vác trách nhiệm của một vị Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Bí thư Chi bộ khoa, thế nhưng hình ảnh của thầy vẫn còn đọng lại mãi trong thế hệ học trò mà thầy từng giảng dạy. Người thầy đó chính là thầy Vương Đình Quyền – người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngôi nhà Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.
Người thầy xây nền đắp móng cho ngôi nhà Lưu trữ học và Quản trị văn phòng
Người thầy xây nền đắp móng cho ngôi nhà Lưu trữ học và Quản trị văn phòng

Cứ mỗi khi tháng 11 đến, trong lòng chúng ta đều lâng lâng cảm xúc về ngày lễ trọng đại của toàn đất nước – ngày lễ Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam 20/11. Quanh đâu đó, ta nghe thấy những câu từ da diết: "Người Thầy... vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa. Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy...", và cảm xúc bỗng dưng dâng trào, muốn bày tỏ lòng biết ơn, tôn vinh tới các bậc thầy cô của mình.

Thấm thoát đã bao nhiêu năm trôi qua, người thầy ấy không còn thường xuyên đứng trên bục giảng, không gánh vác trách nhiệm của một vị Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Bí thư Chi bộ khoa, thế nhưng hình ảnh của thầy vẫn còn đọng lại mãi trong thế hệ học trò mà thầy từng giảng dạy. Người thầy đó chính là t`hầy Vương Đình Quyền – người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngôi nhà Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Vương Đình Quyền

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với thầy nhưng đã để lại trong chúng tôi một ấn tượng khó quên. Ở cái tuổi “bát tuần” nhưng thầy vẫn luôn tươi cười và kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện của ngày xưa. Kí ức tuy còn chỗ nhớ, chỗ quên nhưng sao nó sống động và xúc cảm vô cùng. Thầy kể ngày còn là sinh viên, thầy được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng suốt 4 năm học và đặt cho biệt danh “Bung Sukarno” (Bung Sukarno là tổng thống Indonexia thời ấy được nhân dân Indonexia tôn vinh là tổng thống suốt đời).

 Rồi có những ngày, khi Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, trường và khoa phải sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc xưa. Tôi hỏi khó khăn như thế có khi nào thầy thấy sợ không thì thầy tươi cười nói: “Khó khăn nhưng không cảm thấy, tuổi trẻ vui và hăng hái lắm”.  Nói đến đây thầy lại nhớ đến kỉ niệm về những năm tháng học tập ở nơi sơ tán: sống nhờ nhà dân, lớp học cũng đặt trong nhà dân. Lớp học của thầy khi ấy được đặt trong nhà ông Phấn Thổ và phải đào sâu xuống nền nhà hơn 1m để đặt bàn ghết nhằm đảm bảo an toàn trong trường hợp máy bay Mỹ ném bom, bắn phá. Bởi thế Thầy Hà Văn Tấn đã có những câu đối vui:

“Ông Phấn Thổ độn thổ

Bác Chu Thiên thanh thiên”

Khó khăn là vậy nhưng những bài giảng của thầy Chu Thiên vẫn luôn bay bổng khiến cho dù ở một nơi chật hẹp và ẩm thấp như thế nhưng các sinh viên vẫn cảm thấy lạc quan và đầy nhiệt huyết.

Kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện, thầy cầm bài phát biểu thầy sẽ đọc nhân dịp họp mặt Hội Cựu giáo chức: Tọa đàm “70 năm truyền thống Văn Khoa”, giọng thầy run run nói về những kỉ niệm với Khoa Sử. Trong thầy là một tình yêu, một sự ngưỡng mộ về chất lượng đào tạo và các thầy cô Khoa Sử, đặc biệt là Tứ trụ “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” cùng các thầy cô Khóa I, Khóa II, Khóa III. Thầy tâm sự: “Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, điều kiện giảng dạy và học tập vô vàn khó khăn, thế nhưng vẫn được tiến hành một cách bài bản và cơ bản. Nhiều thầy cô đã trở thành người có kiến thức sâu rộng, uyên bác chủ yếu bằng các tự học, tự đào tạo, thật đáng nể phục”

Thầy Vương Đình Quyền sau khi tốt nghiệp Khoa Sử tháng 6 năm 1968 được giữ lại khoa và sớm được giao trọng trách Trưởng bộ môn Lưu trữ học thuộc Khoa Sử. Lúc đó, Lưu trữ học là một chuyên ngành được mở đầu tiên không chỉ ở Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội mà cả Việt Nam nên có không ít những khó khăn đặt ra cho các giảng viên non trẻ này như: chương trình, giáo trình, kiến thức lý luận và thực tiễn. Thầy nhớ mãi câu nói, lời động viên của các thầy trong Khoa: “Thả xuống nước, biết bơi thì sống”. Câu nói ngắn gọn có ý nghĩa sâu sắc đó chính là động lực thúc đẩy sự tự lực, tự học và nghiên cứu của người thầy mới vào nghề khi ấy mà sau này trở thành vị Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú đầu ngành hết lòng chăm lo sự nghiệp đào tạo. Khi mới thành lập, Bộ môn có 5 thầy giáo trẻ nhưng lại là những người có ý chí phấn đấu cao, hăng hái, nhiệt tình và đoàn kết. Các thầy cùng chung sức, chung lòng, cộng tác, giúp đỡ nhau trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chính sự đoàn kết tương trợ đó đã tạo nên sức mạnh đưa bộ môn Lưu trữ học phát triển nhanh chóng. Thầy thường nói với các đồng nghiệp thời bấy giờ: “Cái gì mà mình thua các bộ môn khác phải cố phấn đấu sao cho bằng được, còn những gì ta hơn thì ta phải phát huy”. Nhiệt huyết và tinh thần đó của các Thầy đã giúp cho Bộ môn từng bước lớn mạnh và cho đến năm 1996 đã được tách ra là một khoa độc lập Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng - trực thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Kể về một chặng đường hình thành và phát triển của Khoa, chúng tôi thấy thầy rưng rưng xúc động, có lẽ Khoa đã trở thành một phần cuộc sống của thầy, bởi thầy đã dành tất cả tâm huyết, công sức để cùng với các thầy cô trong Khoa gây dựng và phát triển khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, đào tạo ra các cán bộ vững chuyên môn và yêu nghề như ngày hôm nay. Và dù rằng giờ đây thầy đã về hưu nhưng vẫn tham gia đào tạo cán bộ Lưu trữ và Quản trị văn phòng bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, vẫn luôn dõi theo các lớp giảng viên, sinh viên và mong muốn các thế hệ sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống, thể hiện bản sắc riêng của khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng. Ở thầy, chúng tôi thấy sự sâu sắc của một vị tiền bối, sự ân cần, tình cảm của một người cha, người thầy và tinh thần trách nhiệm của một người đã góp công lớn gây dựng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng ngày nay. Trong con người thầy, cái tài luôn hiện hữu cùng cái tâm, một người đã vượt qua những khó khăn của thời cuộc và luôn mong ước cho những điều tốt đẹp sẽ đến với thế hệ học trò tiếp theo. Chúng tôi - những thế hệ học trò nhận thấy mình cần cố gắng nỗ lực không ngừng để không phụ lòng các thầy cô cũng như luôn hy vọng thầy sẽ mãi khỏe mạnh, vui vẻ trò chuyện như bây giờ. Dù biết rằng thời gian cứ lặng lẽ trôi, thầy cũng sẽ già hơn theo năm tháng nhưng những bài giảng ấy, hình ảnh của thầy thì vẫn sẽ còn mãi trong trái tim mỗi học trò.

“Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay 
Con bỗng thấy tóc Thầy bạc trắng 
Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn 
Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi 
Bao năm rồi ? Đã bao năm rồi hở ? Thầy ơi ... 
Lớp học trò ra đi, còn Thầy ở lại 
Mái chèo đó là những viên phấn trắng 
Và Thầy là người đưa đò cần mẫn 
Cho chúng con định hướng tương lai 
Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi 
Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa 
Gọi tiếng Thầy với tất cả tin yêu ...”

Tác giả: ThS Vũ Đình Phong, Nguyễn Thị Thanh Trà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây